XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC MỞ: MỞ ĐỂ HỌC – HỌC ĐỂ MỞ – ĐỂ TRỞ THÀNH CÔNG DÂN CÓ TRÁCH NHIỆM TRONG THẾ GIỚI MỞ TRÊN QUAN ĐIỂM KINH TẾ SINH THÁI
Cao Văn Phường
Cao Việt Hiếu
Viện những vấn đề về giáo dục Đại học Bình Dương
LBT: Xây dựng nền kinh tế sinh thái trên nền tảng xây dựng nền giáo dục mở, toàn cầu hóa giáo dục là vấn đề đang được xã hội quan tâm.
Nhằm cung cấp thêm cho bạn đọc về những ý tưởng đã đề xuất hết sức tâm huyết của GS.VS Cao Văn Phường – Người đã có hơn 40 năm trực tiếp kiến tạo và lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đại học, thành viên sáng lập, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Bán công thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương, Chủ tịch chi nhánh Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Liên bang Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học Cao đẳng Việt Nam, Viện trưởng Viện những vấn đề giáo dục Trường Đại học Bình Dương. Ban biên tập Tạp chí Giáo dục và Xã hội xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS.VS Cao Văn Phường và TS. Cao Việt Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương về "Xây dựng nền giáo dục mở: Mở để học, học để mở, để trở thành công dân có trách nhiệm trong thế giới mở trên quan điểm kinh tế sinh thái" đến quý bạn đọc.
Ban biên tập
Đặt vấn đề:
Loài người ngày càng nhận ra vì một thế giới phát triển bền vững phải xây dựng nền kinh tế sinh thái, trong đó con người là trung tâm, đây vừa là mục tiêu, vừa là nội dung, vừa là động lực lao động sáng tạo mà loài người hướng tới.
Để thực hiện được mục tiêu trên, mọi người phải học tập thường xuyên, học suốt đời, học liên tục để hoàn thiện Tâm lực, Trí lực, Thể lực, Tài lực để không chỉ hoàn thành trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, hơn thế nữa phải có trách nhiệm với thiên nhiên.
Vì vậy, chuyển nền giáo dục khép kín, hành chính hóa, hàn lâm hóa sang nền giáo dục mở với mục tiêu: Mở để học – Học để mở – Để trở thành công dân có trách nhiệm trong thế giới mở là vấn đề cần thiết, cấp bách. Đây là những vấn đề được đề cập trong bài viết này với những nội dung sau:
- Một số khái niệm
- Tại sao phải xây dựng nền giáo dục mở
- Đặc trưng nền kinh tế sinh thái, kinh tế tri thức
- Tóm lược những quan điểm, triết lý giáo dục
- Nền tảng để xây dựng nền giáo dục mở
- Xây dựng nền giáo dục mở với mục tiêu: Mở để học – Học để mở – Để trở thành công dân có trách nhiệm
- Những giải pháp xây dựng nền giáo dục mở
- Lời kết.
1. Một số khái niệm
1.1 Khái niệm về nền kinh tế sinh thái:
Nền Kinh tế sinh thái là nền kinh tế được tổ chức vận hành dựa trên quan điểm tối ưu hóa quan hệ kinh tế – xã hội với môi trường sinh thái đạt hiệu quả kinh tế – xã hội cao mà không xâm hại môi trường sinh thái
1.2 Giáo dục:
Chúng ta đang tồn tại trong môi trường thông tin. Vì vậy, Giáo dục được hiểu như là “Sự tác động nhiều chiều của môi trường thông tin” lên con người giúp họ hoàn thiện phương pháp tập hợp thông tin, xử lý thông tin, khai thác thông tin để giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra.
Dạy học tức là gợi mở giúp người khác và ngược lại hoàn thiện phương pháp tập hợp thông tin, xử lý thông tin, khai thác thông tin để giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra.
Học tức là tự hoàn thiện phương pháp tập hợp thông tin, xử lý thông tin, khai thác thông tin để giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra.
GS.VS Cao Văn Phường – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Bình Dương trình bày tham luận "Xây dựng nền giáo dục mở: Mở để học – Học để mở – Để trở thành công dân có trách nhiệm trong thế giới mở" tại Hội thảo Xây dựng nền giáo dục mở do Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật TP. HCM tổ chức
1.3 Nền giáo dục mở:
Nền Giáo dục mở là nền giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học suốt đời, học bất cứ nơi đâu, học bất kỳ lúc nào cho tất cả mọi người. Người học tự mình đánh giá và xã hội đánh giá mình thông qua kết quả, hiệu quả lao động sáng tạo.
1.4 Đại học kinh tế sinh thái:
Đại học kinh tế sinh thái là đại học mà các chương trình, mục tiêu đào tạo và các hoạt động khoa học công nghệ được xây dựng dựa trên quan điểm kinh tế sinh thái.
2- Tại sao phải xây dựng nền giáo dục mở
2.1 Tạo hóa tạo ra vạn vật và con người và cho họ quyền bình đẳng tồn tại và phát triển bền vững. Vì vậy, xây dựng nền kinh tế sinh thái, trong đó con người là trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là nội dung, vừa là động lực lao động sáng tạo mà loài người hướng tới.
Để thực hiện được mục tiêu trên, mọi người cần phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời để hoàn thiện: Tâm lực, trí lực, thể lực, tài lực để hoàn thành tốt trách nhiệm (Với bản thân, với gia đình, với cộng đồng xã hội, với thiên nhiên) bằng con đường lao động sáng tạo, lao động có hiệu quả, tạo ra những sản phẩm vật chất hay tinh thần có chất lượng, đảm bảo cho cuộc sống bản thân, gia đình, cho cộng đồng xã hội và góp phần bảo vệ thiên nhiên.
2.2. Chúng ta đang tồn tại trong môi trường thông tin bị ô nhiễm do công nghệ thông tin, công nghệ truyền thông bị lạm dụng. Vì vậy, để tồn tại con người phải học tập thường xuyên, hoàn thiện phương pháp tập hợp thông tin, xử lý thông tin, khai thác thông tin để có những quyết định phù hợp, kịp thời để giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra.
2.3 Loài người đang đứng trước những thảm họa do thiên tai và do chính con người tạo nên. Động đất, núi lửa, sóng thần… liên tục diễn ra hủy diệt hàng triệu triệu người. Hàng năm hàng trăm triệu hécta rừng bị tàn phá, chất thải đọng lại, vung vãi, tràn ngập trên mặt đất, trên không trung; Hàng triệu mét khối khoáng sản bị đào bới khỏi lòng đất làm thay đổi khối lượng trái đất… hậu quả làm biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất nóng lên, nước biển ngày càng dâng cao nhận chìm các châu lục.
2.4 Tranh giành quyền lực, quyền lợi, mâu thuẫn tôn giáo và sắc tộc, mâu thuẫn tôn giáo và quan điểm chính trị…dẫn đến các cuộc chiến tranh hủy diệt liên tục diễn ra. Loài người đang đứng trước những thảm họa khôn lường do thiên tai và do chính sự thiếu trách nhiệm của con người gây ra.
Vì vậy, để chế ngự, thích ứng, ngăn chặn những thảm họa do thiên nhiên và con người gây ra, tất cả mọi người, mọi quốc gia phải chung sức liên kết chế ngự, thích ứng, đẩy lùi những thảm họa.
Sự liên kết chung sức đó chỉ có thể thành công phải được bắt đầu từ việc xây dựng nền giáo dục mở, toàn cầu hóa giáo dục. Xây dựng nền giáo dục mở với mục tiêu: Mở để học – Học để mở – Để trở thành công dân có trách nhiệm.
3- Đặc trưng nền Kinh tế sinh thái – Kinh tế tri thức
Sự phát triển khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, công nghệ vũ trụ đã làm thay đổi hình thái lao động sản xuất của xã hội, dẫn đến sự hình thành nền kinh tế sinh thái – kinh tế tri thức với sự hỗ trợ công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo.
Đặc trưng cơ bản của nền kinh tế tri thức – kinh tế sinh thái đó là:
3.1- Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở mỗi quốc gia và toàn thế giới cho phù hợp với các vùng sinh thái trên cơ sở đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.
3.2 Nghiên cứu sáng tạo ra công nghệ mới làm tăng năng suất lao động là loại hình sản xuất quan trọng trong nền kinh tế tri thức – kinh tế mở – kinh tế sinh thái, trong đó công nghệ thông tin sẽ giữ vai trò chủ đạo trong mọi lĩnh vực.
3.3 Tự do, dân chủ hóa các hoạt động kinh tế – xã hội trong khuôn khổ luật pháp quốc tế theo hướng toàn cầu hóa là xu hướng mà mỗi quốc gia hòa nhập vào thế giới mở – nền kinh tế sinh thái đều phải tuân thủ.
3.4 Sự liên kết cạnh tranh – cạnh tranh liên kết diễn ra quyết liệt trên toàn cầu, xuất hiện nền kinh tế ảo trên nền tảng công nghệ thông tin, mạng internet.
3.5 Sự sàng lọc giữa các nền văn hóa, dẫn đến nền văn hóa mới – văn hóa internet thích ứng với yêu cầu phát triển nền kinh tế – xã hội với điều kiện nền sản xuất mới tự động hóa, quan hệ gia đình truyền thống sẽ thay đổi trong các thế hệ trẻ.
3.6 Xuất hiện tầng lớp lao động mới có trí thức, có trách nhiệm, có kỹ năng kỹ xảo, sáng tạo công nghệ mới. Quyền sở hữu trí tuệ là quyền cơ bản trong nền kinh tế tri thức. Nhận thức về quyền lực sẽ thay đổi, cơ cấu về quyền lực mới sẽ xuất hiện – Quyền lực trí tuệ.
3.7 Chuẩn mực đạo đức xã hội được cụ thể và phù hợp với nền kinh tế mở. Trong thế giới mở, giá trị đích thực của mỗi con người được lượng giá thông qua kết quả lao động sáng tạo, lao động có hiệu quả, thực hiện trách nhiệm xã hội, không còn dừng lại trong từng quốc gia.
3.8 Triết lý tôn giáo và quan điểm chính trị sẽ được cọ sát và sẽ được điều chỉnh với nhận thức về thế giới quan của con người trong môi trường thông tin mở, trình độ dân trí cao.
3.9 Khái niệm về lãnh thổ, chủ quyền ranh giới quốc gia sẽ được điều chỉnh và có thể mất đi. Sự tồn tại của các dân tộc không bị hòa tan trong thế giới mở nhờ sự bảo tồn và phát triển văn hóa, văn hóa dân tộc, đặc biệt là ngôn ngữ của dân tộc mình.
3.10 Tiềm năng của mỗi quốc gia trong nền kinh tế tri thức không chỉ phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên mà phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng con người được hàm chứa qua năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, tạo ra công nghệ mới làm tăng năng suất, hiệu quả lao động, chất lượng sản phẩm, phụ thuộc vào phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, trình độ văn hóa của đại đa số nhân dân.
4- Tóm lược những quan điểm, triết lý về giáo dục
Cách đây hơn 2.500 năm TCN, những nhà tư tưởng lớn của nhân loại, ở Châu Á như Khổng Tử (551-474TCN) và các môn đệ của ông, ở Châu Âu có Xocrat (470-399 TCN), Arixtot (384-322 TCN), … tiếp nối thời cận đại có Các Mác (1818-1883), Anhxtanh (1897-1955), Hồ Chí Minh (1890-1969) đã tạo dựng nền tảng xây dựng nền giáo dục cho nhân loại từ triết lý, quan điểm, nội dung, phương pháp – là những vấn đề cốt lõi vẫn giữ nguyên giá trị giáo dục con người thành “Chân, Thiện, Mỹ”:
Học thuyết “Đạo đức – Chính trị” của Khổng Tử (551-474TCN) lấy “Nhân – Lễ” làm hạt nhân, lễ không chỉ là lễ tiết mà là quy phạm đạo đức, là chế độ xã hội, xã hội phải có trên có dưới, phải có tôn ti trật tự ổn định, phải có nề nếp, phải chính danh – định phận. Nguyên tác của nhân là: “Mình muốn lập nên thì làm cho người khác lập nên, mình muốn thành đạt thì làm cho người khác thành đạt”.
Động cơ học tập là học để làm quan với triết lý: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Xocrat (470-399 TCN) – Nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại, phương pháp giáo dục của ông là phương pháp “Đối thoại trực tiếp, tranh luận” với mọi người, phương pháp đối thoại của Xocrat góp phần tạo nên xã hội dân chủ.
Arixtot (384-322 TCN), ông là học trò của Xocrat và môn đệ của ông là Platon (427-347 TCN). Đạo đức học của Arixtot mục đích hành động của con người là hướng tới điều “Thiện”, ông đề cao sự công bằng và tình bạn hữu.
Nhà tư tưởng Rable (1494-1553) thời phục hưng, ông chủ trương xây dựng nền giáo dục: “Trí tuệ và đạo đức”.
Nhà triết học Các Mác (1818-1883), ông chủ trương giáo dục không mất tiền cho trẻ em: “Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất”.
Anhxtanh (1897-1955), Nhà Vật lý vĩ đại thế kỷ XX, ông cho rằng mục tiêu của nhà trường là giáo dục cho thế hệ trẻ một nhân cách hơn là giảng dạy kiến thức cụ thể, giúp cho người học phương pháp tư duy độc lập, sáng tạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969): Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nền giáo dục mở để “Ai ai cũng được học hành”, xây dựng nền giáo dục mở thông qua con đường “Xã hội hóa giáo dục”. Động cơ học tập là để làm việc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, với triết lý: “Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”.
Những năm 90, thế kỷ 20, Tổ chức Giáo dục và Văn hóa Unesco Liên Hiệp Quốc đưa ra 04 trụ cột về giáo dục đó là: Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình, học để chung sống với mọi người (Learning to know, Learning to do, Learning to be, Learning to live together).
5- Nền tảng để xây dựng nền giáo dục mở
5.1 Triết lý:
Triết lý giáo dục: “Học – Hỏi – Hiểu – Hành” là nền tảng để kiến tạo tương lai, thực thi trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với cộng đồng xã hội, với thiên nhiên.
Triết lý xây dựng nền giáo dục mở: Nền giáo dục mở được xây dựng với triết lý: Mở để học – Học để mở, kiến tạo tương lai, thực thi trách nhiệm công dân trong thế giới mở.
5.2 Động cơ học tập:
Học để trở thành công dân có trách nhiệm: Với bản thân, với gia đình, với cộng đồng xã hội, với thiên nhiên.
5.3 Quan điểm về giáo dục:
Giáo dục là của mọi người, vì mọi người, cho mọi người, mọi người được quyền bình đẳng hưởng thụ thành quả của nền giáo dục và có nghĩa vụ đóng góp, xây dựng phát triển giáo dục.
Giáo dục là quá trình tiến hóa có chọn lọc văn hóa nghệ thuật, khoa học công nghệ, kết quả lao động sáng tạo, những gì phù hợp với quy luật phát triển; Là chân lý không phải là cuộc cách mạng hủy diệt, lật đổ. Mà quy luật chân lý là vấn đề khoa học trí tuệ. Khoa học, trí tuệ không thể giơ tay biểu quyết.
5.4 Phương pháp giáo dục:
Để học tập có hiệu quả, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học ở bất cứ lúc nào, học ở bất kỳ nơi nào. Việc học tập phải được thực hiện thông qua phương pháp “Cộng học”:
- Học với gia đình, cha mẹ, anh chị em,
- Học với thầy và bạn ở nhà trường,
- Học với cộng đồng xã hội, với mọi người xung quanh,
- Học ở đối tác,
- Học qua tài liệu, sách vở, báo đài,
- Học qua phát thanh, truyền hình, qua mạng internet,
- Học ở chính bản thân mình,
Phương pháp “Cộng học” được xây dựng dựa trên nguyên tắc 4 chữ “H”: Học – Hỏi – Hiểu – Hành:
- Học là để biết cách học như thế nào,
- Học là để biết cách hỏi,
- Hỏi để học (để tập hợp thông tin),
- Hỏi để hiểu (xử lý thông tin),
- Hiểu phải hiểu đúng,
- Hiểu đúng Hành mới đúng (khai thác thông tin),
- Hành đúng mới có hiệu quả,
- Hành có hiệu quả mới tạo ra những sản phẩm vật chất hay tinh thần có chất lượng để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống đặt ra cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng xã hội, mới có điều kiện bảo vệ thiên nhiên, thực thi trách nhiệm và nghĩa vụ mà xã hội giao phó, để có được quyền bình đẳng tồn tại và phát triển. Tinh thần trách nhiệm phải được giáo huấn từ tuổi thơ qua phương pháp “Cộng học”./.
Học – Hỏi – Hiểu – Hành là quy trình bốn bước, được kết nối diễn ra thường xuyên liên tục thành hệ thống dẫn đến kết quả hành đúng, nếu tách chúng ra sẽ dẫn đến sai lệch, không hiệu quả. Người ta thường nói Học – Hỏi hoặc Học – Hành, mà bỏ qua Hiểu. Hỏi là để khai thác thông tin, tập hợp thông tin, để xử lý thông tin để Hiểu. Phân tích xử lý thông tin để Hiểu đúng là khâu cực kỳ quan trọng trong giáo dục để có được quyết định đúng, để hành động đúng, hành có hiệu quả.
Mục tiêu cao cả của nền giáo dục mong muốn đạt đến đó là làm sao để mọi người hiểu đúng về bản thân mình, hiểu đúng giá trị của mình trong cộng đồng xã hội, tự đánh giá đúng về mình, để có hành động cho phù hợp và chung sống với mọi người.
Hành không đơn giản là thực hành, thực tập mà là hành động theo nghĩa rộng (Action) để giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra, thực hiện trách nhiệm xã hội.
Phương pháp “Cộng học” là phương pháp giáo dục chủ động, tích cực giúp người học tương tác hai chiều qua đối thoại với người đối diện, qua tài liệu sách vở, qua báo chí, qua thông tin truyền thông, tự đối thoại với chính bản thân mình.
Cộng học không chỉ là phương pháp giáo dục mà nó còn là nền tảng để xây dựng nền giáo dục mở, tạo nên xã hội học tập, giúp mọi người tự hoàn thiện: Tâm lực, Trí lực, Thể lực, Tài lực để thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ mà xã hội giao phó để mọi người có quyền được bình đẳng tồn tại và phát triển.
Phương pháp “Cộng học” và tinh thần trách nhiệm phải được thực hiện từ các lớp mầm non mẫu giáo sẽ giúp cho mọi người hoàn thiện tính chủ động, tư duy độc lập, sáng tạo ngay từ tuổi thơ, hoàn thiện bản thân để trở thành công dân có trách nhiệm.
5.5 Nội dung giáo dục:
Nội dung giáo dục giúp mọi người hoàn thiện: Tâm lực, Trí lực, Thể lực, Tài lực:
– Tâm lực: Là năng lực của cá nhân tự giám sát các hành vi bản thân, tự đề ra cho mình thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ xã hội giao phó phải hoàn thành, là khả năng tự mình đánh giá những hành vi của mình trong mối quan hệ xã hội về mặt đạo đức, nhân cách. Tâm lực không phải là năng lực bản thân sinh ra mà do điều kiện hoạt động, tác động môi trường thông tin xã hội. Con người tự hoàn thiện bản thân để trở thành người có trách nhiệm, có lương tâm.
– Trí lực: Là năng lực tập hợp thông tin, xử lý thông tin, khai thác thông tin để giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra, năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, tạo ra công nghệ mới, là sự hiểu biết, lao động có hiệu quả.
– Thể lực: Là năng lực cơ thể của cá nhân chịu đựng, thích ứng với môi trường sống.
– Tài lực: Là khả năng tự tạo dựng sự nghiệp, tạo ra những điều kiện cần thiết để bản thân thực hiện trách nhiệm công dân.
5.6 Nền giáo dục mở được xây dựng trên cơ sở tiếp thu, kế thừa có chọn lọc những thành tựu của nền giáo dục truyền thống (khuôn mẫu) với sự hỗ trợ công nghệ thông tin, công nghệ truyền thông, với sự kết nối các cơ sở giáo dục, khoa học công nghệ với hoạt động kinh tế.
5.7 Nền giáo dục mở được xây dựng thông qua con đường xã hội hóa giáo dục dựa trên quan điểm: Giáo dục là của mọi người, vì mọi người, cho mọi người, mọi người được quyền bình đẳng hưởng thụ thành quả của nền giáo dục và có nghĩa vụ đóng góp, xây dựng phát triển giáo dục.
6. Xây dựng nền giáo dục mở với mục tiêu: Mở để học – Học để mở – Để trở thành công dân có trách nhiệm
Mở để học: Là chính sách chính trị của mỗi quốc gia thông qua pháp luật tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân được học tập rèn luyện suốt đời.
Học để mở: Mở tầm nhìn, mở trí tuệ, mở sự hiểu biết, mở tư duy độc lập sáng tạo, mở mối quan hệ hợp tác liên kết, mở tình yêu thương, mở lòng nhân ái, lòng vị tha.
Để trở thành công dân có trách nhiệm: Trách nhiệm là khái niệm của ý thức đạo đức và ý thức pháp quyền – Là nhân cách của con người trong việc thực hiện nghĩa vụ được xã hội giao phó. Quyền và trách nhiệm, tự do dân chủ phải đi đôi với nhau, con người muốn được bình đẳng, muốn được tự do dân chủ phải có trách nhiệm. Quyền càng lớn trách nhiệm càng cao, tự do, dân chủ phải đi đôi với trách nhiệm thì xã hội mới phát triển ổn định, ngược lại thì thế giới trở nên hỗn độn.
Mọi công cuộc đổi mới muốn thành công phải được xây dựng trên nền tảng giáo dục, tạo ra những công dân trách nhiệm, không thể có thành phố thông minh, đất nước thông minh nếu không có con người thông minh, không có đại đa số công dân có trách nhiệm.
Học – Hỏi – Hiểu – Hành là nền tảng để mọi người trở thành công dân có trách nhiệm (với bản thân, với gia đình, với cộng đồng xã hội, với thiên nhiên).
7. Những giải pháp xây dựng nền giáo dục mở
7.1 Hoàn thiện Luật pháp trên quan điểm: Giáo dục là của mọi người, vì mọi người, cho mọi người, mọi người được quyền bình đẳng hưởng thụ thành quả của nền giáo dục và có nghĩa vụ đóng góp, xây dựng, phát triển giáo dục.
7.2 Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, tạo nên siêu thị tri thức, đưa lớp học đến từng gia đình với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, công nghệ truyền thông. Xây dựng các tập đoàn giáo dục với 03 trụ cột: Giáo dục, Khoa học Công nghệ, hoạt động kinh tế.
7.3 Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật:
– Đầu tư xây dựng, kết nối các kho học liệu đa phương tiện,
– Xây dựng các trung tâm đảm bảo chất lượng, trung tâm khảo thí, hình thành các ngân hàng lượng giá tạo điều kiện để mọi người có thể tự mình đánh giá năng lực của bản thân.
7.4 Hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật các thành phố, các thị xã, thị trấn, các làng xã nông thôn trên quan điểm kinh tế sinh thái trong đó con người là trung tâm, tạo điều kiện môi trường không gian sống, làm việc, sinh hoạt thuận lợi để mọi người có thể học tập rèn luyện thể lực thường xuyên, để hoàn thiện: Tâm lực, Trí lực, Thể lực, Tài lực.
7.5 Nghiên cứu hoàn thiện các chương trình mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo các cấp học cho phù hợp, giúp mọi người tự hoàn thiện trở thành công dân có trách nhiệm thông qua con đường “Cộng học” được xây dựng trên nguyên tắc Học – Hỏi – Hiểu – Hành. Tinh thần trách nhiệm phải được giáo huấn từ khi con người mới chào đời, là phẩm chất đạo đức cơ bản của mỗi người.
8. Lời kết
Xây dựng nền kinh tế sinh thái, trong đó con người là trung tâm, đây vừa là mục tiêu, vừa là nội dung, vừa là động lực lao động sáng tạo của loài người.
Loài người đang đứng trước những thảm họa do thiên tai và do chính con người tạo nên. Môi trường thông tin ngày càng bị xâm hại do công nghệ thông tin, công nghệ truyền thông bị lạm dụng.
Để tồn tại, phát triển, mỗi người phải tự hoàn thiện phương pháp tập hợp thông tin, xử lý thông tin, khai thác thông tin để có những quyết định hành động cho phù hợp, kịp thời, cùng nhau chung sức ngăn chặn, chế ngự, hạn chế những thảm họa, bảo vệ hành tinh nơi mà con người và vạn vật đang sinh tồn.
Vì vậy, xây dựng nền giáo dục mở, toàn cầu hóa giáo dục với mục tiêu: Mở để học – Học để mở – Để trở thành công dân có trách nhiệm trong thế giới mở là nhu cầu của mọi người, để cùng nhau chung sức bảo vệ môi trường sống, xây dựng nền kinh tế sinh thái./.