Kỷ niệm những tháng phục vụ Bác Hồ ở Bắc Bộ Phủ

3986

Ngày 19-8-1945 tôi tham gia cướp chính quyền ở Bắc Bộ phủ rồi làm việc luôn ở đó.

Ngày 25-8-1945 Bác Hồ về Hà Nội. Trước đó, ngày 22 – 8 – 1945 sinh viên tại VN học xá họp mít tinh đòi cho biết Chính phủ Hồ Chí Minh là ai để tỏ thái độ. Đồng chí Trần Đình Long (sau bị Quốc Dân Đảng giết ở Ôn Như Hầu) bảo tôi và đồng chí Chu Văn Tích lấy xe xuống VN học xá giải thích: Cụ Hồ là một chí sĩ yêu nước bôn ba ở hải ngoại về lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa. Còn nhà báo Trần Huy Liệu đã nổi tiếng từ hồi Mặt trận Dân chủ mọi người đều biết. Đồng chí Lê Văn Hiến từng hoạt động cách mạng trong những năm 30. Giáo sư Vũ Đình Hòe từng dạy học ở trường Gia Long. Ông Dương Đức Hiển nguyên là Chủ tịch Hội sinh viên…

Vậy là êm. Nhưng Hồ Chí Minh là ai tôi vẫn chưa biết. Những năm hoạt động cách mạng trong Thanh niên Dân chủ, tôi đã nghe tới Nguyễn Ái Quốc. Năm1941, đọc lời kêu gọi đồng bào của Nguyễn Ái Quốc, tôi chỉ biết ngưỡng mộ, kính trọng, tôn sùng mà vẫn chưa biết Nguyễn Ái Quốc là ai.

Bác Hồ làm việc trong vườn hoa Phủ Chủ tịch (1957)  (Nguồn: Internet)

Một chuyện vui, sau này đồng chí Hoàng Tùng kể lại tôi mới biết. Trước Cách mạng Tháng Tám đồng chí Hoàng Tùng phụ trách Hà Nội. Được tin đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đưa Bác về tạm nghỉ ở Chèm Vẽ. Đồng chí Hoàng Tùng được giao nhiệm vụ lo việc ăn, nghỉ cho Bác mà vẫn chưa biết Bác Hồ là ai. Chỉ thấy một cụ già râu thưa, người còn mệt, đang ngồi trên tấm phản. Đồng chí Hoàng Tùng đem cái gối mây và cái quạt mo tới. Vốn là con người hay dí dỏm, đồng chí Hoàng Tùng liền ấn Bác nằm xuống gối, đưa cho cái quạt mo và nói: “Này cụ nằm xuống đây cho sướng cái thân già”. Vừa lúc đó đồng chí Nguyễn Lương Bằng đi ngang qua vội kéo đồng chí Hoàng Tùng ra phía sau và nói: “Này đồng chí có biết ông cụ là ai không ? Nguyễn Ái Quốc đó, đừng có nói bậy với cụ”. Nghe xong đồng chí Hoàng Tùng giật mình toát mồ hôi.

Vì vậy, khi Bác về làm việc ở Bắc Bộ Phủ, tôi muốn nhìn thật kỹ, quan sát Bác Hồ, Nguyễn Ái Quốc ra sao ?

Thật là con người giản dị, hoạt bát, tự nhiên, đi lại rất nhanh nhẹn, rất đúng giờ, tiết kiệm triệt để, gần gũi thường xuyên cán bộ, gương mẫu trong cuộc sống.

Bác làm việc trên lầu, ở phòng cuối phía trái. Ngoài phòng vẫn còn chiếc piano thời Thống sứ, qua Khâm sai vẫn để đó.

Một lần tôi đang làm việc ở phòng khách phía dưới thì có hai sĩ quan Mỹ từ khách sạn Metropole qua, xưng tên và xin gặp Bác Hồ. Tôi lên báo. Bác dặn tôi xuống đưa họ lên.

Một điều bất ngờ. Khi tôi vừa đưa khách lên lầu thì Bác đã mở cửa ra đón. Các bạn có biết vị Chủ tịch ăn mặc như thế nào khi tiếp khách Mỹ ? Chiếc sơ mi zet Cự Doanh trắng cụt tay ôm lấy thân người gầy gò của Bác. Chiếc quần soọc kaki vàng bạc màu dài tới đầu gối, nhất là đôi dép sandalles không cài nút Bác đang lê trên nền nhà bóng loáng. Thật giản dị quá chừng. Nhìn lại, tôi cũng trong chiếc sơ mi zet cụt tay, cũng quần soọc, nhưng rất gọn gàng đúng kiểu anh thanh niên, sinh viên, lại thêm đôi vớ dài tới đầu gối, với đôi giày souliers nâu.

Ba người bắt tay và ôm nhau. Sau đó Bác dẫn khách vào phòng làm việc. Tôi ngồi ngoài, chờ khách xuống. Nghe trong phòng vọng ra tiếng nói bằng tiếng Anh của ba người, tôi không phân biệt nổi giọng nào là của Bác nữa. Vì Bác nói tiếng Anh rất chuẩn, lại pha giọng mũi của xứ Nghệ sống lâu năm ở nước ngoài.

Còn cách đi lại và làm việc của Bác ? Bác làm việc rất đúng giờ, nhanh nhẹn, ăn nói lưu loát, không để lãng phí thời giờ, kể cả lúc đi. Mỗi lần từ phòng khách lên lầu làm việc, Bác đi rất nhanh, thậm chí còn bước hai bậc của cầu thang một lúc, làm chúng tôi phải chạy theo. Sau này được đi nước ngoài tôi cũng thấy tác phong đi của các nước công nghiệp, đi như chạy, lên xe điện ngồi là tranh thủ giở sách báo ra đọc.

Ngày 29-8-1945, 9 giờ sáng Bác cho triệu tập các Chủ tịch tỉnh để báo cáo tình hình và nghe Bác cho ý kiến. 8 giờ 50 mọi người đã có mặt đầy đủ, chờ Bác xuống. Liếc nhìn thấy chiếc ghế đặc biệt cao ở giữa, với tính tò mò muốn ngồi gần Bác để dễ quan sát, nên tôi ngồi ngay trên chiếc ghế bên trái. Đúng 9 giờ Bác từ trên lầu xuống. Mọi người đứng dậy chào: “Thưa Cụ”. Bác đến ngồi đúng chiếc ghế cao đó. Thế là tôi có dịp ngắm Bác suốt cả tiếng đồng hồ, quên để ý đến nội dung cuộc họp. Tôi ngắm mãi chòm râu đen thưa của Bác, vầng trán cao, đôi mắt hơi sâu rất linh hoạt, trên mỗi đồng tử của Bác ánh lên hai đốm trắng mà sau này có người nói Bác có hai con ngươi.

Giọng Bác ồ ồ ấm áp. Bác bảo các Chủ tịch tỉnh báo cáo về tình hình đời sống nhân dân, những khó khăn hiện tại, nhất là hoạt động của bọn Tàu Tưởng. Tôi liếc sang. Bác ghi chép vài nét rất nhanh, toàn bằng chữ Hán. Có lẽ như vậy nhanh hơn. Nhưng 3 tháng sau tôi đã thấy Bác ghi bằng tiếng Việt. Cuối cuộc họp Bác cho ý kiến: “Các chú về phải thực hiện đoàn kết toàn dân, lo giải quyết nạn đói, việc học cho dân, giữ gìn an ninh trật tự. Với quân Tàu Tưởng. Bác nói: “Họ sang với danh nghĩa để giải giới quân đội Nhật, nhưng thực tế là để giành ăn đó. Nhưng tình hình hiện nay rất, rất phức tạp, phải tránh đụng độ, xô xát. Tôi dặn các chú, nếu cán bộ bị họ đánh đập, hấp hối vẫn phải hô: Việt Hoa đoàn kết muôn năm. Các chú biết chuyện Việt Vương, Câu Tiễn chứ. Bây giờ còn có ai có ý kiến gì nữa không ? Thôi, giải tán”. Cuộc họp rất nhanh gọn mà đầy chất lượng với sách lược sâu sắc.

Có lần Bác viết bài báo ký tên C. B. và bảo chúng tôi gửi cho báo Nhân Dân. Chờ hai ngày không thấy đăng. Bác cho gọi điện thoại hỏi. Thì ra đồng chí Hoàng Tùng xem thấy lời văn mộc mạc, giản dị quá nói: “Như của anh học trò tập viết”. Thế là bỏ vào sọt rác. Lúc nghe điện thoại hỏi, đồng chí Hoàng Tùng toát mồ hôi, vội đi kiếm và cho đăng ngay. Còn chúng tôi thì rút ra bài học chớ viết dài, phô trương từ ngữ. Bác thường nói: viết để làm gì ? viết cho ai ? viết cái gì ?

Miền Bắc đang bị nạn đói, chết tới 2 triệu dân do giặc Nhật buộc dân phá mầu trồng đay phục vụ chiến tranh. Bác cho phát động phog trào “Hũ gạo cứu đói”. Cán bộ, nhân dân mỗi tuần nhịn ăn một bữa, dành gạo cứu đói. Một lần anh em thấy Bác yếu, lại làm việc quá sức, cứ nấu cơm rồi lên mời Bác xuống ăn. Bác hỏi:”Hôm nay thứ mấy ?” “Dạ, thứ bảy”. Bác nói: “Thế các chú muốn Bác hô hào cán bộ, nhân dân nhịn đói thật để cứu đói, còn Bác thì nhịn đói giả à ?” Thật là con người mẫu mực. Lời nói đi đôi với việc làm.

Cùng công tác với chúng tôi ở Bắc bộ phủ có đồng chí Đàm Quang Trung, phụ trách đơn vị bảo vệ Bắc bộ phủ và bảo vệ Bác. Đồng chí Đàm Quang Trung là người Tày, lần đầu tiên về Hà Nội, nên thường rủ tôi đi xem phố xá. Một lần khoảng 9 giờ sáng, đồng chí Đàm Quang Trung rủ một số anh em, trong đó có tôi đi hướng dẫn xem phố. Thường cứ thấy Bác xuống ăn trưa là chúng tôi biết đúng 12 giờ. Chúng tôi vẫn nói Bác là chiếc đồng hồ sống vì Bác sinh hoạt rất đúng giờ. Yên chí là giờ này Bác vẫn ngồi làm việc trong phòng. Để chắc ăn, anh em cử một đồng chí canh chừng ở cầu thang. Không dè đồng chí này thích xem anh em chuẩn bị ra sao khi ra phố, nên cũng vào xem. Đồng chí Đàm Quang Trung cùng vài đồng chí khác đang chải đầu bằng brillantinc (mỡ chai đầu) và xức dầu thơm. Đột nhiên, có việc cần Bác xuất hiện. Thấy vậy Bác không quở mắng gì, chỉ nói một câu: “Thơm quá nhỉ”. Rồi Bác quay lên. Thật là nhân ái. Thì ra Bác rất thông cảm với số thanh niên mới 24, 25 tuổi lần đầu về Thủ đô. Cái gì đáng phê bình, cái gì chỉ cần nói nhẹ. Còn anh em thì ù té chạy vào phòng tắm, thay quần áo và gội đầu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945. (Nguồn: Internet)

Sáng 2-9-1945, chúng tôi tề tựu cả ở Bắc bộ phủ để theo Bác ra Quảng trường Ba Đình. Đồng chí Đặng Châu Tuệ, Chủ tịch Nam Định đề nghị Bác đi chiếc xe rất sang trọng của đồng chí, nguyên là của Giám đốc nhà máy dệt Nam Định nhưng Bác không đi, mà chỉ dùng chiếc xe bình thường. Hai bên là 2 hàng cảnh sát mặc quần soọc đạp xe đạp mở đường. Thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa má có hai hàng cảnh sát đạp xe đạp theo ô tô để hộ tống là điều lạ lắm. Nhưng lúc bấy giờ, cách mạng mới thành công được như vậy đã là oai lắm.

Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập. Một điều làm chúng tôi rất lạ. Vị Chủ tịch nước đọc Tuyên ngôn Độc lập cho toàn dân và khắp thế giới, mà lại hòa đồng với dân như đang nói chuyện với nhau. Nói được một đoạn Bác dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không ?” Dưới này đồng bào hô to: “Có ạ, có ạ”. Và cứ như thế bản Tuyên ngôn Độc lập cứ ngắt quãng 4, 5 lần bằng câu: Tôi nói đồng bào nghe rõ không ? và tiếng đồng bào: có ạ, có ạ. Thật Bác chẳng giống ai. Bác là Bác, rất tự nhiên và chan hòa của chúng ta.

Kế đến đồng chí Trần Huy Liệu nói về việc Bảo Đại thoái vị, xin làm dân nước Việt Nam độc lập hơn làm vua nước nô lệ. (Vậy mà sau này Bảo Đại lại trở về làm Quốc trưởng tay sai cho Pháp ròi bị Mỹ-Diệm phế truất). Khi đồng chí Trần Huy Liệu giơ thanh kiếm và ấn lên, đồng bào vỗ tay rần rần không ngớt và hô to: “Việt Nam muôn năm ! Hồ Chủ tịch muôn năm !”

Trong thời gian ở gần Bác Hồ ở Bắc bộ phủ, tôi cũng là một phái viên (mới 25 tuổi) của Bắc bộ phủ được phái đi các tỉnh đem ý kiến lãnh đạo, để giải quyết những vụ lộn xộn ở địa phương, như Bùi Chu, Phát Diệm đang đêm phải đi gấp. Với vụ dân quân, du kích ở Phú Hộ tịch thu 10 khẩu súng của đồn điền Trịnh Xuân Nghĩa, sau khi tôi vào gặp đồng chí Nguyễn Văn Xiển (Chủ tịch Ủy ban Bắc bộ) lấy giấy giới thiệu gửi Ủy ban tỉnh Phú Thọ, khi ra thì gặp đồng chí Nguyễn Văn Trân (Phó Chủ tịch Ủy ban Bắc bộ) kéo tôi vào phòng và dặn dò cách giải quyết: Nay chính quyền đã về tay Cách mạng và nhân dân rồi, thì nên động viên ông Trịnh Xuân Nghĩa nên để cho nhân dân dùng để giữ gìn an ninh chung, trong đó có lợi ích của ông Trịnh Xuân Nghĩa. Tôi cứ thế mà thi hành.

Thời gian làm việc với Bác Hồ ở Bắc bộ phủ chỉ chừng 3 tháng thì tôi có quyết định cử đi Hải Phòng phụ trách Thành bộ Việt Minh. Nhưng trong tim tôi mãi mãi vẫn giữ những ấn tượng sâu sắc về một lãnh tụ anh minh, giản dị, gần gũi dân của dân.

Trần Quang Lê (tức Vũ Đăng Thông) – Cán bộ Cách mạng lão thành

Vũ Việt Chí (con ông Trần Quang Lê) – Viện những vấn đề giáo dục – gửi tặng ĐHBD