24/6/2019, tròn bốn năm GS.VS Trần Văn Khê – một người thầy, một nhà văn hóa lớn, một nhà nghiên cứu và truyền bá âm nhạc cổ truyền Việt Nam kiệt xuất trút hơi thở sau cùng để bước vào cõi vĩnh hằng sau gần trăm năm hiện diện và góp phần bảo vệ phát huy truyền bá những tinh hoa quê hương đất nước đến với bạn bè năm châu.
GS. Trần Văn Khê (áo xanh, hàng ngồi, thứ 2 từ trái sang) tham dự Hội thảo khoa học “Vị thế văn hóa – văn hóa dân tộc trong giáo dục đại học” tại Trường ĐH Bình Dương
Được sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, thầy Trần Văn Khê ngay từ những năm tháng tuổi thơ đã được hấp thụ những bài học qua tiếng hát ru của mẹ và cung đàn của cha, một phương pháp giáo dục mà sau này thầy vẫn gọi là “thai giáo” là “gia giáo” (giáo dục gia đình) trong các buổi chia sẻ với báo giới, nên âm nhạc truyền thống Việt Nam đã đi vào tâm thức của thầy Trần Văn Khê một cách rất tự nhiên, hình thành nên một tình yêu gắn liền giữa âm nhạc – truyền thống gia đình. Tuy nhiên, do vấn đề thời cuộc, thầy Khê buộc phải rời quê hương lưu lạc nơi đất khách quê người hơn nửa thế kỷ. Trong suốt thời gian sống, học tập và làm việc tại hải ngoại, ý thức dân tộc được điều kiện trỗi dậy trong thầy mạnh mẽ. Đó chính là động lực để thầy say sưa nghiên cứu, so sánh và truyền bá âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới. Nếu tình yêu âm nhạc của thầy Trần Văn Khê lúc còn ở quê nhà được hình từ “âm nhạc” và “truyền thống gia đình”, thì giờ đây tình yêu ấy còn là quê hương đất nước, dân tộc Việt Nam.
Thầy Trần Văn Khê tuyệt đối không phải là người duy nhất yêu mến nhạc truyền thống, cũng không phải người đầu tiên nghiên cứu và hệ thống lại âm nhạc truyền thống Việt Nam, nhưng chính do bối cảnh lịch sử đã tạo cho thầy có một tiền đề mà không phải ai cũng có được, đó là một tình yêu âm nhạc được xây dựng trên nền tảng của âm nhạc – truyền thống gia đình – truyền thống dân tộc. Chính trên cơ sở ấy, đã tạo nên sự thành công “không tiền khoán hậu” trong suốt hành trình của thầy Trần Văn Khê, để mỗi khi nhắc đến thầy người ta sẽ nghĩ ngay đến âm nhạc và văn hóa Việt Nam, và ngược lại nói đến văn hóa và âm nhạc truyền thống Việt Nam người ta sẽ nghĩ ngay đến thầy Trần Văn Khê.
Chính quá trình miệt mài nghiên tầm trong công tác sưu tầm, hệ thống, nghiên cứu với một ý thức cực kỳ cao độ, đã khiến thầy tích tụ được một kho tàng tri thức về âm nhạc truyền thống khổng lồ không chỉ của Việt Nam mà còn của cả Châu Á. Từ đó, thầy luôn có tâm nguyện được giảng dạy và truyền trao tất cả những hiểu biết của mình cho thế hệ kế tục.
Thầy Cao Việt Hưng – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng thăm GS. Trần Văn Khê tại tư gia.
Trong suốt quá trình giảng dạy tại Đại học Sorbonne, thầy Trần Văn Khê luôn tận tâm giảng dạy cho tất cả các môn sinh tìm đến thầy để học về âm nhạc truyền thống Châu Á. Có rất nhiều trong số đó thành đạt, trở thành những giáo sư, nhà nghiên cứu đầu ngành ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng rồi Trần Văn Khê với ý thức cao độ về quốc gia dân tộc của mình, thầy mong mỏi được một lần hướng dẫn và chấm luận án cho một sinh viên Việt Nam đến nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam tại Đại học Sorbonne. Khát vọng ấy phải đến năm 1976 khi thầy gặp Nguyễn Thuyết Phong, người Việt Nam đến Đại học Sorbonne làm luận án về Âm nhạc Phật giáo Việt Nam thì ông mới thỏa được ước mơ.
Tuy nhiên, trong lòng thầy lại luôn canh cánh một ước mơ to lớn hơn “được dạy âm nhạc Việt Nam cho học sinh Việt Nam ngay trên đất Việt Nam”.
Ước mơ ấy của thầy Trần Văn Khê được hiện thực hóa sau khi thầy hồi hương và gặp được thầy Cao Văn Phường – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương vào năm 2005. Với cuộc gặp gỡ giữa hai tâm hồn lớn có cùng một điểm chung là tự ý thức gánh vác trách nhiệm văn hóa giáo dục của nước nhà mà không chờ đợi bất kỳ sự giao phó nào. Bên cạnh đó, bằng sự đồng cảm sâu sắc với triết lý giáo dục Học – Hỏi – Hiểu – Hành để xây dựng những con người có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và thiên nhiên của Trường Đại học Bình Dương, thầy Trần Văn Khê đã dành cả mười năm cuối cùng của cuộc đời đồng hành cùng thầy và trò Trường Đại học Bình Dương. Mặc dù tuổi cao sức yếu, mặc dù bệnh tật hành hạ trong những lúc trái gió trở trời, song thầy Trần Văn Khê vẫn luôn ưu ái dành những giờ giảng hăng say về âm nhạc truyền thống, về văn hóa cho các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Bình Dương, nơi mà thầy Khê xem như là “ngôi nhà thứ hai” của mình.
Trong suốt mười năm gắn bó, thầy Khê và các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Bình Dương đã có những kỷ niệm sâu sắc khó có thể phai mờ cùng năm tháng. Mà trên hết chính là cốt cách, tinh thần trách nhiệm của một người thầy mẫu mực trong sự nghiệp phụng sự dân tộc được kết nên từ cuộc đời của thầy Khê sẽ mãi là mực thước để thầy và trò Trường Đại học Bình Dương nâng niu, gìn giữ, học tập.
Sự trở về của thầy Trần Văn Khê sau hơn nửa thế kỷ sống tại Pháp cùng với 420 kiện hiện vật quý giá bao gồm sách vở, từ điển, bài viết, đĩa hát, băng cassettes, công trình nghiên cứu, nhật ký diền dã và nhiều nhạc cụ thầy sưu tập được suốt chặng đường nghiên cứu… để hiến tặng cho Việt Nam sau khi thầy qua đời. Điều ấy, lại một lần nữa khẳng định ý thức phụng sự quê hương đất nước, kề vai gánh lấy và hoàn thành xuất sắc một phần trách nhiệm to lớn của đất nước mặc dù không ai giao phó, đó là tinh thần của trí thức chân chính Việt Nam.
GS. Trần Văn Khê giao lưu và ký tặng sách cho sinh viên Nhà trường trong buổi giao lưu “GS. Trần Văn Khê – Chuyện kể từ trái tim” do Trường ĐH Bình Dương tổ chức
Nhân kỷ niệm 04 năm ngày thầy đi xa, thông qua bài viết này tập thể thầy và trò Trường Đại học Bình Dương mong muốn ôn lại một chút kỷ niệm với người thầy khả kính đồng thời cũng thiết tha mong mỏi giới chức trách hữu quan sớm có những định hướng quy hoạch “Nhà Lưu Niệm Trần Văn Khê” và đưa vào hoạt động để 420 kiện hàng thầy Khê trao tặng không trở thành những cái xác vô hồn, mà trái lại ở nơi ấy sẽ là mảnh vườn ươm cho những con người tự ý thức được trách nhiệm gánh vác, bảo tồn và phát huy những giá trị của các thế hệ tiền nhân đã dày công tạo dựng, gìn giữ.
GS. Trần Văn Khê (24/7/1921 – 24/6/2015) là một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng ở Việt Nam. Ông là người Việt Nam đầu tiên đỗ bằng Tiến sĩ ngành dân tộc nhạc học tại Pháp và từng là giáo sư tại Đại học Sorbonne (Pháp); thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, UNESCO. Ông là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới. GS. Trần Văn Khê là người Việt Nam đầu tiên được ghi tên vào Đại từ điển Âm nhạc thế giới. Năm 2005, GS. Trần Văn Khê hồi hương sau hơn nửa thế kỷ bôn ba tại hải ngoại. Cũng từ thời điểm đó, tâm đắc với Triết lý giáo dục Học – Hỏi – Hiểu – Hành của Trường Đại học Bình Dương cũng như quý mến GS. Cao Văn Phường (Hiệu trưởng lúc bấy giờ) nên GS. Trần Văn Khê đã nhận lời mời trở thành Cố vấn đặc biệt của Hội đồng Khoa học Trường Đại học Bình Dương, Giám đốc danh dự Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Văn hóa – Văn hóa Dân tộc, trực thuộc trường ĐH Bình Dương cho đến ngày giáo sư qua đời. |
Lê Ái Phú
(Viện Những vấn đề về giáo dục – Trường Đại học Bình Dương)